Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

Khởi nghiệp không là điều bắt buộc cho mọi người.



BÀN LÙI?

Khi tôi viết bài “CÓ NHẤT THIẾT PHẢI KHỞI NGHIỆP?” và “VÌ SAO KHỞI NGHIỆP THẤT BẠI?”, đa số ủng hộ quan điểm của tôi, với mấy ý chính:



- Khởi nghiệp không là điều bắt buộc cho mọi người. Khởi nghiệp chỉ dành cho những người có tố chất phù hợp: giỏi "ngửi" được mùi tiền, quyết tâm, kiên trì, dám mạo hiểm…, đặc biệt, phải có khát vọng và khát khao khởi nghiệp (mà không cần ai thúc đẩy hay kêu gọi).

- Khởi nghiệp không là con đường sự nghiệp duy nhất. Bạn có thể thành chuyên gia, nhà quản lý, CEO giỏi, “người làm thuê số một” (số hai, số ba….). Bạn cũng có thể là ca sĩ, nhà giáo, quân nhân, vận động viên thể thao…. Và bạn vẫn có thể vinh danh cho bản thân, đóng góp cho gia đình, cho xã hội bằng nhiều cách, không chỉ có cách khởi nghiệp (tức phải lập doanh nghiệp, mở cơ sở SXKD riêng…)

- Tố chất thôi là chưa đủ. Bạn phải có năng lực, phải có đam mê, và điều kiện thị trường phải thuận lợi… Bạn còn phải có ý tưởng hay để triển khai, có bạn đồng hành tin cậy, có nhà đầu tư sẵn lòng cấp vốn, có chiến lược đúng để khỏi mắc sai lầm… Nói chung là còn rất nhiều thứ khác phải quan tâm.

Tuy vậy, vẫn có một vài bạn thắc mắc là sao tôi không ủng hộ “PHONG TRÀO KHỞI NGHIỆP"; sao tôi hay bàn … lùi (??!)

Trời đất, tôi có bàn lùi gì đâu? Tôi chỉ khuyên bạn muốn nhảy xuống sông (hay hồ) thì hãy tập bơi hoặc xem mình có tự nổi được không thôi; chớ có nhảy liều. Thà tôi cảnh báo bạn còn hơn xúi bạn nhảy đại xuống sông để rồi chìm lỉm trong hối tiếc ( thậm chí không kịp hối).

Nếu bạn có đủ đam mê, năng lực, thị trường, vốn liếng, ý tưởng, lòng kiên trì, tính cách thích mạo hiểm, có cái mũi "nhạy với mùi tiền", và các yếu tố khác nữa thì cứ khởi nghiệp, tại sao không nhỉ?

Một thông tin khác, khi báo chí đăng tin kêu gọi phong trào "quốc gia khởi nghiệp”, mấy ông bạn của tôi là chủ doanh nghiệp lo lắng hỏi: “Liệu cán bộ quản lý, nhân viên của công ty tôi có bỏ việc hàng loạt để đi theo tiếng gọi… khởi nghiệp không anh?”
-----------
PS: Hình minh họa cho thấy các nguyên nhân thất bại chủ yếu của khởi nghiệp. Những nguyên nhân này tuy khác nhau, nhưng đều xuất phát từ nguyên nhân chính là thiếu chiến lược (strategy) và kế hoạch (planning). Rất nguy hiểm khi nhiều bạn trẻ cứ hăng hái lao vào làm, với suy nghĩ "cứ đi rồi sẽ đến"!



< Nguyễn Hữu Long >

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

Marketing cho khởi nghiệp và những sai lầm



Marketing cho khởi nghiệp và những sai lầm
------------------------------------------------------------------------
Khi ra khởi nghiệp, Văn luôn mong muốn phải có thật nhiều người biết đến mình, đến công ty để từ đó dẫn đến việc mua hàng, mang tiền về giúp công ty lớn mạnh. Với suy nghĩ như vậy, bung tiền đầu tư cho hình ảnh, cho sự kiện và nghĩ rằng khoảng đầu tư đó sẽ sớm mang lại lợi nhuận cho kinh doanh.

anh Lê Trung Văn


Khoảng chi đó, khoảng đầu tư đó bay theo thời gian nhanh chóng mà lại không mang về dòng tiền nuôi sống lấy bản thân, nuôi sống lấy công ty. Mình thấy điều này thật vô lý, có gì đó sai sai nhưng khi ngồi lại, suy nghĩ thật thấu thì chính mình mới là người sai lầm ban đầu. Hiểu sai hoàn toàn về Marketing cho khởi nghiệp.

Kiến thức Marketing ở Đại học, từ những khóa học bên ngoài, những kiến thức tự học trên mạng đã làm cho tầm nhìn về Marketing được mở mang cùng những công cụ hoành tráng. Nhưng những kiến thức ấy đa phần đều áp dụng cho doanh nghiệp vừa, lớn và siêu lớn.

Khởi nghiệp thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là có thể tồn tại được và marketing bằng chính sản phẩm của mình là công cụ mạnh mẽ. Vừa mang tiền về nuôi sống bản thân, doanh nghiệp, vừa giúp khách hàng biết, hiểu, tin, yêu vào sản phẩm và dần dần là tên gọi rồi trở thành thương hiệu sản phẩm đó.

Không loại trừ khởi nghiệp một dòng sản phẩm độc đáo với một số vốn đầu tư lớn thì hoàn toàn có thể bung tiền để hoành tráng, đầu tư cho việc "giáo dục khách hàng" để ghi ngay dấu ấn vào tâm trí khách hàng lợi ích của sản phẩm đó. Nhưng đối với đa số khởi nghiệp từ số vốn ít thì việc hoành tráng, nghĩ rằng mình đang làm Marketing là một bài toán ngược mà không mang lại kết quả tốt đẹp.

Khen ngợi, chúc mừng là phần thưởng lớn của nhà khởi nghiệp khi làm Marketing ban đầu thật tốt nhưng những lời đó không thể giúp chúng ta tồn tại được. Mọi thứ phải bắt đầu bằng việc nuôi sống, mang dòng tiền về rồi chính sản phẩm sẽ ghi vào tâm trí khách hàng là phương thức hợp lý cho nhà khởi nghiệp.

Khía cạnh khác, Marketing không chỉ là quảng cáo, là làm hình ảnh bay cao, bay xa, phủ rộng khắp nơi mà còn bao gồm nhiều yếu tố khác. Một trong các yếu tố ban đầu rất quan trọng là nhu cầu của khách hàng, chính việc này khiến khách hàng chi tiền thật sự để nuôi sống được doanh nghiệp, chứ không phải bằng sự ủng hộ.
------------------------------------------------------------------------
Khách hàng cực kỳ quan trọng cho khởi nghiệp... sẽ nằm trong một bài viết khác vào kỳ sau. Cảm ơn mọi người đã đọc và thân gửi lời chúc ngày mới tốt lành.

                                                            Lê Trung Văn
                                                  Sáng lập Nấm Thiên Mộc

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Không bỏ cuộc !

Một cậu em đã đọc được ở đâu đó và nói lại cho mình nghe là nếu bạn hoạt động tích cực cho một lĩnh vực nào đó trên 10.000 giờ, bạn có thể đạt được trình độ chuyên nghiệp. 

10.000 giờ tương ứng với 3 năm làm việc và nếu nói như thế thì giờ đây bản thân mình có thể gọi là chuyên nghiệp trong ngành sấy, nghĩ về nó từ cuối 2011, với những bước thử nghiệm đầu tiên.



Những tháng ngày vất vả với mưu sinh và nợ nần nhưng sự nghiệp thì không được dừng lại, vốn liếng không có lôi cả cái máy sấy tóc của vợ, cuốn cái hộp bánh kem lại thế là cũng được một cái máy sấy :



Đến mãi sau này mỗi lần ăn sinh nhật xong thì con gái cất cái hộp bánh kem đi bảo là để ba làm máy sấy.

Sau vật liệu giấy là đến gỗ :





To có, nhỏ có, từng cái, từng cái ... chưa ưng ý thì làm lại. Máy thì xấu vậy nhưng sản phẩm ra thì không hề xấu :




Đấy là những thứ tự làm, tự bỏ tiền. Còn những đơn hàng làm hỏng của khách hàng cũng không phải là ít, làm hỏng thì đền, chưa đền được thì khất ...

Để rồi có một ngày những chiếc máy sấy ra đời đẹp hơn, ổn định hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn : 






Máy lớn phục vụ sản xuất lớn, máy nhỏ phục vụ sản xuất gia đình:





Cùng với sự phát triển thiết bị thì kinh nghiệm về sản phẩm cũng dầy lên, đã từng có hàng trăm các sản phẩm được sấy với các quy mô lớn có, nhỏ có ....



Sự nghiệp của bạn cũng phải được nuôi, nó giống như những đứa con, điều quan trọng nhất đó là KHÔNG BỎ CUỘC.

                                                        ks. Ngô Vân Trường 

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2015

CÁM ƠN ANH , CÁM ƠN HỌC LÀM GIÀU !


Lần đầu tiên tôi gặp anh tại Tây Ninh. Chắc Anh không bao giờ nhớ tôi nhưng Tôi thì nhớ Anh. Bởi một lẽ đơn giản Anh là một diễn giả còn Tôi là một học viên. Tôi đã tham dự miễn phí buổi chia sẻ của anh. Ngày đó là quãng thời gian tối tăm nhất của cuộc đời, nó tối tăm đến độ nếu BTC thu phí cho dù chỉ là 50.000 VND chắc có lẽ tôi cũng không đủ tiền. Đến nỗi tờ 1.000.000 USD giá 20.000 đ cũng làm tôi đắn đo. Nhưng cuối cùng tôi cũng có nó là nhờ Anh tặng.




Điều đầu tiên Tôi nhận thấy ở Anh là Sốc, sốc và sốc toàn tập. Sốc từ cách xưng danh, cách khoe thu nhập, cách thể hiện quan điểm của mình trong buổi thuyết giảng. Kể cả những hình tượng anh đưa ra để hướng mọi người đến suy nghĩ tích cực, cách Anh đưa ra lý thuyết để giúp mọi người thay đổi tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách rèn luyện nghị lực và theo đuổi đam mê và cả những trò họat náo mà theo anh đó là tập trung năng lượng.

Tôi không phản bác những thứ anh đem đến cho mọi người vì có thể một ai đó trong khán phòng cần đến nó. Nhưng với Tôi nó sốc vì một lẽ tôi có dư năng lượng, tôi có đủ nghị lực để theo đuổi đam mê của bản thân.

Và hôm nay điều đầu tiên tôi muốn CẢM ƠN ANH bởi trong những thứ Anh đem đến hôm đó có một thứ mà với tôi là cực kỳ quý giá. Nó là một lời khuyên như một triết lý kinh doanh đó là hãy dùng tât cả trí tuệ của bạn để đưa sản phẩm và dịch vụ của bạn đến vùng tiềm năng cao.

Vùng tiềm năng cao được hiểu là nơi mà Sản phẩm hay dịch vụ của bạn có khả năng chinh phục nhà đầu tư. Nó bao hàm khả năng sinh lợi to lớn ở tương lai.



Tôi cám ơn Anh là bởi vì tôi đang đi trên con đường mà anh chỉ dẫn.

Điều thứ 2 tôi cám ơn Anh vì đã đưa tôi đến với Học Làm Giàu. Và đến đây Học Làm Giàu chính là người thứ 2 mà tôi muốn cám ơn. Tôi gọi Học Làm Giàu bởi vì tôi không biết ai chính là người đưa ra ý tưởng và phát triển trang mạng này.

Tôi chưa từng tham gia bất kỳ một trang mạng XH nên tôi không so sánh với bất kỳ một MXH nào khác. Tôi chỉ muốn nói rằng HLG đã cho tôi một kết nối, kết nối giữa những con người khát khao làm giàu. Một kết nối mà theo tôi chưa ai có thể làm được hoàn hảo hơn thế. ở đó tôi tìm được rất nhiều thứ từ những người bạn tâm giao, những người cùng sở thích, những người cùng quan điểm, những người cùng khát vọng, … và còn nhiều những cái những.

Và cũng từ đây tôi mới có thể làm rõ hơn những điều mà Anh đã nói với tôi. Và như vậy một lần nữa xin cám ơn Anh và cám ơn Học Làm Giàu.

Lẽ ra vẫn còn nhiều người nữa phải nói lời cám ơn nhưng ở đây, trong bài viết này tôi chỉ xin cám ơn Anh và cám ơn Học Làm Giàu. Và Anh chính là Quách Tuấn Khanh –– diễn giả số 1 Việt Nam. Nếu Anh có đọc đến bài viết này và có chỗ nào đó ko vừa ý thì xin bỏ qua cho.



Trân Trọng !
(16/03/2012)

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

Sự luẩn quẩn của doanh nghiệp Việt

Hôm rồi có một anh khách hàng là một việt kiều Mỹ sau một hồi trao đổi công việc xong anh ấy phán một câu là hiện nay mức lương tại Việt Nam đang cao hơn mức lương tại Mỹ rất nhiều.

Và đây có lẽ là điều lý giải tại sao người Việt ở nước ngoài họ luôn thành công và lý giải tại sao DN Việt khó phát triển. Anh ta cho rằng hiện nay các doanh nghiệp Việt đang phải trả một mức lương cao hơn rất nhiều so với năng lực làm việc của nhân viên.



Trong khi đó người lao động ở Việt Nam luôn cho rằng họ rất khó sống với mức lương hiện tại và cá nhân tôi cho rằng đây chính là cái vòng luẩn quẩn.

Doanh nghiệp Việt, đa phần là DN vừa và nhỏ, nó nhỏ từ quy mô quản lý, nhỏ thị trường và nhỏ về vốn. Nói như một ông anh bạn bên thuế đó là không bao giờ sợ bị rủi ro về tài khoản ngân hàng là do tiền chưa về đến tài khoản là nó đã ra đi ngay rồi.

Do thiếu vốn nên đa phần các DN không dám trả lương cao cho nhân viên, thậm chí tình trạng nợ lương kéo dài, điều này khiến cho DN khó để thu hút nhân tài. Thậm chí chính các nhân viên năng lực tốt sẵn có cũng vì vậy mà không nghiêm túc làm việc. Hệ lụy của nó làm cho DN không đảm bảo lợi nhuận.

Và cũng lại vì vậy mà DN quay lại đè lương, nợ lương và cứ thế, cái vòng luẩn quẩn xuất hiện. Và sự phát triển chỉ có thể khi thoát khỏi cái "vòng kim cô" đó.

                                                          Ks. Ngô Vân Trường

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Tổ chức phẳng là cách quản trị duy nhất đúng đắn.


Ngoài kiểu cấu trúc quản trị hình tháp truyền thống, còn có kiểu tổ chức phẳng. Các nhân viên giải quyết những vấn đề hoạt động hàng ngày, trong khi đó cũng báo cáo một cách kịp thời và thường xuyên, chẳng hạn như một báo cáo quản lý hàng tuần.

Tất nhiên, các ông chủ có thể sát sao trong việc xem xét các vấn đề quan trọng theo yêu cầu, nhưng công ty được điều hành bởi các nhân viên theo định dạng phẳng này.




Một số hệ thống tiêu biểu của mô hình này là các chủ sở hữu ra các quyết định dựa trên cơ sở từng vấn đề. Mô hình này thường được gọi là giữ trẻ, chức năng chính là thúc đẩy phong cách. Nó có nghĩa là giờ làm việc bất tận và toàn bộ mọi thứ đều nằm trong tay chủ sở hữu.

Ngược lại, tổ chức theo cấu trúc phẳng cho phép, khuyến khích và thậm chí là yêu cầu các nhân viên đưa ra các quyết định hoạt động mà không có sự tham gia của chủ sở hữu hoặc giám đốc điều hành để trả lời về những vấn đề có tính vi mô. Cơ cấu tổ chức phẳng đòi hỏi các nhân viên chịu trách nhiệm cho sự thành công và cũng như phải chịu trách nhiệm cho những thất bại của mình.

Để có thể tổ chức theo mô hình phẳng, hãy bắt đầu từ trên cùng. Nếu bạn lựa chọn một đội nhân viên năng động và cho phép họ quản lý, nếu các nhân viên có thể tạo ra một đội ngũ làm việc có chất lượng ở mỗi bộ phận, và nếu các phòng ban có thể phối hợp làm việc nhịp nhàng để tạo ra nỗ lực của một nhóm lớn hơn, thành công là một điều chắc chắn.

Điều này đòi hỏi có sự thảo luận kỹ lưỡng với những nhà quản lý của bạn để thống nhất mục tiêu và mục đích, nhưng các nhà quản lý có trách nhiệm để đạt được điều ấy. Mỗi bộ phận hoặc nhóm hành động như những gì nhà quản lý đề ra. Câu trả lời của nhà quản lý là quyết định cuối cùng, và họ không cần phải đệ trình đối với cấp trên để khẳng định, phê duyệt hoặc cho phép.

Nó cũng liên tục đòi hỏi giám đốc điều hành hỗ trợ các nhà quản lý khi sai sót xảy ra. Điều này rất quan trọng vì mọi quyết định không phải lúc nào cũng là hoàn toàn đúng đắn. Miễn là ở trong mức độ phù hợp của các quyết định, giám đốc điều hành nên nuôi dưỡng việc ra quyết định bằng cách hỗ trợ các nhà quản lý.

Các nhà quản lý nên được khuyến khích để thỉnh thoảng gặp một số rủi ro và thử nghiệm, và có thể họ sẽ được tiếp thêm sức mạnh, mang nhiều lợi nhuận hơn cho công ty. Họ nên được hỗ trợ trong các nỗ lực và khuyến khích cố gắng nếu họ thất bại, ngay cả khi họ mắc lỗi nhiều hơn là thành công, miễn là họ đạt được các mục tiêu và mục đích của họ.


Điều này đặt ra câu hỏi, vậy giám đốc điều hành sẽ làm gì khi không còn chịu trách nhiệm về hoạt động và điều hành một tổ chức theo cơ cấu phẳng với sự kiểm soát của các nhà quản lý và điều hành trò chơi. Lập kế hoạch, đào tạo và đánh giá: đó mới thực sự là công việc của giám đốc điều hành.

Kế hoạch: Lên sơ đồ quá trình thực hiện và mục tiêu trong tương lai. Kế hoạch đầu tư vốn, tăng trưởng và phát triển.

Đào tạo: Hãy chắc chắn những nhà quản lý của bạn không ngừng học hỏi những kỹ năng mới và được bổ sung các khả năng. Cung cấp các cơ hội đào tạo và yêu cầu họ tham gia.

Đánh giá: Luôn luôn theo dõi kết quả và các chỉ số quan trọng để bạn thành công. Nếu sút kém, bạn có trong tay càng sớm càng tốt các biện pháp để sửa chữa. Bạn đang hỗ trợ những nỗ lực cho các nhà quản lý, không làm thay công việc cho họ. Kiểm tra công việc của các nhà quản lý một cách thường xuyên và sâu sát.

Đó là cách tổ chức phẳng. Mọi người đều có thể làm được điều đó? Nó đòi hỏi giám đốc điều hành là những người có thể chống lại được phong cách thích kiểm soát và những người có thể trao đổi để đạt được sự thành công lớn hơn với nỗ lực làm việc ít hơn.

Cuối cùng, học hỏi từ tất cả các bậc thầy: Jack Welch, giám đốc điều hành thành công nhất của lịch sử hiện đại, dành sự nghiệp của mình để "làm phẳng" General Electric, một trong những tổ chức thành công nhất từ trước tới nay. Ông đã dành nhiều năm để chuyển đổi một kim tự tháp khổng lồ thành một tổ chức phẳng, theo từng phòng ban, nhiệm vụ, và ông tuyên bố rằng tổ chức phẳng là cách duy nhất đúng đắn.

st

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

CÂU CHUYỆN CÁ NHÂN và TÂM LÝ TIẾP CẬN SẢN PHẨM CỦA KHÁCH HÀNG

Tôi không thích ăn kem và cũng không bao giờ muốn ăn vì sợ tăng cân. Tôi là khách khá trung thành của một quán cafe gần nhà. Vui, buồn, tiếp khách, hẹn bạn... cứ tiện là tôi mời họ đến đó, một quán cafe có sản phẩm chủ đạo là kem, tuyệt nhiên tôi chưa bao giờ gọi món kem của họ. 















Một hôm, tôi lật menu theo quán tính và trong đầu đang mặc định sẽ gọi ly cafe đá ít đường thường lệ. Chợt dừng lại ở một bức hình giống ly cafe nhưng màu nâu và được trang trí khá sang trọng, có lớp kem tươi bên trên. Tôi chợt cảm giác dường như mình thèm kem tươi nhỉ, thế là tôi gọi nó. Sau lần dùng thử đó, tôi bắt đầu nghiện. Bây giờ tôi đến là gọi ngay Oleole em nhé. 

Không có chuyện gì cho đến một hôm quán đóng cửa để sửa chữa gì đó. Hơn ba ngày liên tục. Tôi bắt buộc vào một quán đối diện đó. Nơi này khá đẹp nhưng chưa bao giờ tôi bước đến. Tôi vào lật menu của họ với hy vọng sẽ nhìn thấy một món tương tự như quán hàng xóm của họ. Không có, tôi hơn ba lần trở lại đều nhận được ba lần câu trả lời quán em không có kem tươi để trang trí chị ạ, chỉ có kem viên. Tôi mặc định ngay rằng khi quán kia sửa xong tôi sẽ trở về bên đó lập tức dù nó khá đắt.

Dài dòng như vậy chung quy là trải nghiệm của tôi là một khách hàng đi qua 6 bước để trở nên llệ thuộc một sản phẩm/ dv/ doanh nghiệp mà thôi.


1. Tôi chưa có ý thức gì về sản phẩm 
2. Tôi nhận biết được sản phầm đó
3. Dùng thử
4. Tôi thích và dừng thường xuyên
5. Tôi trung thành
6. Tôi không thể thay đổi thói quen nữa, nó là một phần trong cuộc sống thưởng thức của tôi.


Bài học thứ hai: Cơ duyên để tôi bắt đầu tham gia cái quy trình trở nên trung thành này là từ SỰ TRÌNH BÀY , họ có hẳn menu kem riêng, và hình mẫu ly Oleole rất hấp dẫn. Hơn nữa, tôi bị thuyết phục tuyệt đối khi ly nước mà tôi nhận được giống với hình mẫu đến 9/10.


Bài học thứ ba: Một doanh nghiệp mà tạo ra được " Mũi nhọn" cho sản phẩm của mình, tạo ra được cái " độc đáo " khó sao chép được thì dù đối thủ cạnh ttranh có cơ hội tiếp cận bao nhiêu lần cũng không dễ dàng chiếm lĩnh được khách hàng của họ.

Bài học cuối cùng : Đã kinh doanh và phải cạnh trạnh thì luôn luôn cải tiến là điều cần thiết. Bạn không cần sao chép nhưng hãy hoàn thiện sản phẩm của mình để luôn sẵn sàng thay thế sản phâmt của đối thủ ngay khi có cơ hội.

Nguyễn Linh
Chép từ Face Nguyễn Linh

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

CÂU CHUYỆN KHỞI NGHIỆP

CÂU CHUYỆN KHỞI NGHIỆP (vì đọc bài báo phía dưới mà ngứa mỏ và nổ tí nha bà con  )
Sự khởi đầu bao giờ cũng rất khó khăn, tuy nhiên, có rất nhiều sự lựa chọn cho các bạn sinh viên mới ra trường như: đi làm thuê hay khởi đầu 1 công ty gia đình hay khởi đầu với công ty cùng bạn bè.
Trở thành nhân viên làm công ăn lương, các bạn sẽ làm quen với môi trường làm việc mới, chịu trách nhiệm về công việc được giao, tham gia hình thành văn hóa công ty, tuân thủ kỷ luật công ty, học hỏi kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp với khách hàng, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp … Và hết giờ làm được về nhà, và cuối tháng được lãnh lương.














Trở thành ông chủ nhỏ (to), chắc chắn các bạn sẽ cảm thấy hãnh diện và khát khao. Trước tiên chúng ta được làm chủ, không chịu áp lực bởi người trên, muốn làm gì thì làm, ý tưởng có gì cứ thế triển khai và thử nghiệm, lợi nhuận kiếm được sẽ không phải chia sẻ cho ai nếu làm một mình. Mình sẽ trở thành bầu Đức hay tỉ phú đô la như ông Phạm Nhật Vượng. Đúng thế, có ai đánh thuế chúng ta mơ đâu, chúng ta phải có giấc mơ có khao khát tham vọng thì chúng ta mới có thể đi đến tương lai dù đặng hay không.
Nhưng cuộc sống một ông chủ doanh nghiệp có đầy màu hồng hay không? Chắc chắn là không. Những áp lực gì mà các bạn sẽ phải chịu khi làm một ông chủ nhỏ?
- Trả lương nhân viên
- Vốn đầu tư
- Tổ chức công việc và nhân sự
- Lập kế hoạch kinh doanh
- Thuế và các vấn đề hành chính, pháp luật
- Cân bằng cuộc sống cá nhân và công việc
- Đầu ra của sản phẩm hay nói chính xác là nguồn thu nhập của doanh nghiệp.
- Sức khỏe thể chất và tinh thần cá nhân
- An toàn cho tài sản và tập thể
- …
Với cá nhân tôi, vì đã quá quen với công việc kinh doanh từ nhỏ, và cũng sau một thời gian đi làm thuê, may mắn có được sếp tốt, thương hiệu tốt nên sự khởi nghiệp của tôi tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, cũng không hài lòng với những gì mình làm, học tập và đưa mình vào kỷ luật là luôn luôn phải cố gắng. Ngoài ra, phương châm của tôi là không tham quá giàu, chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp khác, tinh thần hợp tác là trên hết, vì thế mà cuộc sống cá nhân của mình sẽ nhẹ nhàng hơn.

Đối với các bạn trẻ, có thể có những phát minh, sáng kiến, mong muốn được khởi nghiệp hoặc sau một thời gian đi làm, cảm thấy mình có đủ tự tin để bung ra làm một mình thì các bạn nên tìm nguồn đầu tư, lập kế hoạch kinh doanh, dự báo và nghiên cứu thị trường, thuê mướn người điều hành chuyên nghiệp nếu có khả năng, và phải chuẩn bị tinh thần là để khởi nghiệp, phải chấp nhận lỗ đến hòa trong vòng 5 năm đầu tiên.
Đây là một bài viết của chuyên gia từ báo the Economist, các bạn biết tiếng Anh có thể tham khảo thêm, có thêm hiểu biết về những thử thách mà các bạn sẽ phải đối mặt khi làm các ông chủ nhỏ (to)
sưu tầm từ facebook của Ann Đỗ.

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

"Ông vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ: Tuổi thơ bẻ ngô, chăm lợn

(Soha.vn) - Tuổi thơ thời đi học của ông chủ cà phê Trung Nguyên là Đặng Lê Nguyên Vũ cảnh lội bộ trên con đường đất đỏ dài 15km trong suốt chín năm, ngày nắng cũng như mưa.




Đặng Lê Nguyên Vũ là một doanh nhân nổi tiếng ở Việt Nam. Ông là người sáng lập, chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, Việt Nam. Ông là một trong 2 người từng được Forbes vinh danh. Ông Vũ được mệnh danh là 'vua cà phê Việt'.
Tuổi thơ đầy gian khó của "ông vua cà phê Việt"
Ông sinh ngày 10/02/1971 tại huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1979, gia đình ông chuyển đến sinh sống ở huyện miền núi M’drak, tỉnh Đắk Lắk , Việt Nam.
Năm 1981, bố ông gặp trọng bệnh, gia cảnh sa sút, hình thành ý chí làm giàu trong ông. Ông tâm sự: “Tôi không bao giờ quên được cái ngày tăm tối đó, khi bố tôi đổ bệnh nặng mà chạy vạy khắp trong dòng tộc không làm sao kiếm đủ 2 triệu đồng cho ông chữa bệnh!”.
Khi Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới năm 1986, Đặng Lê Nguyên Vũ còn là một học sinh phổ thông. Thời đó, người ta nói rằng muốn làm kinh doanh thì cần phải có “ô dù”. Vũ cũng có ô, nhưng tuổi thơ của ông lại là những ngày bẻ ngô, chăm lợn và giúp mẹ đóng gạch.
Đặng Lê Nguyên Vũ: Tuổi thơ gian khó, đầy nước mắt





























Tuổi thơ thời đi học của ông là cảnh lội bộ trên con đường đất đỏ dài 15km trong suốt chín năm, ngày nắng cũng như mưa. Niềm vui trên con đường dài đến trường và về nhà là khi đi ngang qua trạm thuế vụ, thỉnh thoảng có được quả chuối chín hoặc vài củ khoai lang ăn sống của những người buôn bán tốt bụng cho.
Ông là một học sinh giỏi. Năm 1990, ông thi đậu trường Đại học Y Tây Nguyên. Mẹ ông đã phải bán đi nhiều tạ lúa và nhiều thứ khác trong nhà để tôi lên Buôn Ma Thuột nhập học. Vừa đi học, ông vừa đi làm thêm kiếm sống.
Những ngày học ở trường y, lúc nào ông cũng trăn trở về công việc và cuộc sống của người thầy thuốc. Càng học lên, điều đó càng bứt rứt trong lòng ông.
Khi đang học năm thứ ba, ông chợt nhận ra mình không muốn trở thành một bác sĩ. Mẹ ông đã khóc gần như hết nước mắt khi tôi quyết định dứt áo ra đi. Nhiều bạn trong lớp bảo ông không bình thường, chỉ có ba người bạn có thể hiểu và chia sẻ được những điều tôi nghĩ – đó là không chấp nhận “ngủ trong giường chiếu hẹp, mơ những giấc mơ con”. Đám bạn vét hết tiền trong túi nhét cho tôi được gần 100.000 đồng.
Ông đã bỏ học lên nhà ông chú trên Sài Gòn, rồi bị ông chú ném trả về Đắk Lắk bằng chiếc vé máy bay kèm câu nói “học xong đi đã”. Ngồi trên máy bay, cậu sinh viên họ Đặng có một ước mơ bay cao trên bầu trời, hôm nay, ước mơ ấy đã khác. Đó là giấc mơ về “Mô hình cụm ngành cà phê quốc gia và Mô hình nông thôn tích hợp liên hoàn” tại nhà máy cà phê Trung Nguyên ở Đắk Lắk.
Quá trình khởi nghiệp đầy gian truân
Năm 1996, ông cùng với sự hợp tác ban đầu của 3 người bạn, lập nên "Hãng Cà phê Trung Nguyên", bấy giờ chỉ là một cơ sở rang xay với diện tích vài m2 và chiếc máy rang cà phê thủ công cũ kỹ, một quán cà phê nhỏ ở Buôn Mê Thuột và công việc giao cà phê rang xay cho các quán khác. Ngày ngày, Vũ kỳ cạch giao cafe bằng xe đạp, rồi sau đó mới đổi sang xe máy.
Năm 1998, hãng cà phê của ông Trung Nguyên lần đầu tiên mở quán cà phê ở Thành phố Hồ Chí Minh, được nhắc đến như là doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh mô hình nhượng quyền thương hiệu và bắt đầu xuất hiện các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên. Với mô hình kinh doanh thành công này, từ năm 2000, thương hiệu Trung Nguyên và cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ được nhiều người biết đến.
Năm 2003, cà phê hòa tan G7 chính thức có mặt trên thị trường và chiến thắng Nestle trong cuộc thử mù với kết quả 89% nghiêng về G7. Năm 2005, Hãng cà phê Trung Nguyên được xem là nhà chế biến cà phê lớn nhất Việt Nam, vượt qua tất cả đối thủ nước ngoài. Cà phê Trung Nguyên đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam chọn làm Đại sứ ngoại giao văn hóa và làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia.
Năm 2010, sản phẩm cà phê Trung Nguyên được xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia trên toàn cầu, tiêu biểu như tại Mỹ, Canada, Nga, Anh, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, khối Asean.
Ngày 27/4/2011, cái tên “Cà phê Trung Nguyên” xuất hiện trên tờ báo danh tiếng Financial Times (Thời báo Tài chính) như một trường hợp nghiên cứu điển hình về mô hình doanh nghiệp thành công và được bình chọn là một trong những doanh nghiệp thành công nhất. Bài báo có đoạn viết: "Ông Vũ khơi dậy khát vọng của người dân Việt Nam. Một tầng lớp trung lưu đang nổi lên đã chấp nhận thương hiệu này và các quán cà phê Trung Nguyên trở thành những trung tâm xã hội quan trọng".
Tháng 2 năm 2012, Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu tiên được vinh danh là “Vua Cà phê Việt” một cách chính thức trên tạp chí uy tín National Geographic Traveller.
Tháng 8 năm 2012, một tờ báo Mỹ uy tín khác, Forbes , lại khắc họa chân dung về ông như một “Vua Cà phê Việt” trong đó ca ngợi ông là nhân vật "zero to hero" (từ vô danh thành anh hùng).
Đặng Lê Nguyên Vũ còn có sở thích sưu tập tượng của các danh nhân thế giới như Mao Trạch Đông, Napoleon, Balzac hay Beethoven. Ông nói: “Những thay đổi lớn được tạo ra bởi các cá nhân, chứ không phải một nhóm người”.
Khi không phải điều hành Trung Nguyên ở TP HCM, Đặng Lê Nguyên Vũ lại đến nghỉ ngơi tại căn nhà trên cao nguyên với chuồng ngựa 120 con của mình. Theo giới doanh nhân phương Tây ở Việt Nam, tài sản cá nhân của ông Vũ có thể lên tới 100 triệu USD. Đây là một con số khá lớn đối với quốc gia chỉ có thu nhập bình quân đầu người 1.300 USD một năm như Việt Nam.
Thanh Thảo - theo Trí Thức Trẻ

Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Có vẻ như: Làm giàu không khó!

Theo tôi người giàu trước hết là người có khả năng tạo ra tiền. Có thể hiện tại tài sản của bạn bằng không thậm chí âm nợ nhưng khả năng tạo ra tiền của bạn cao thì bạn chính là người giàu.


Con đường chinh chiến của tôi chưa dài nhưng cũng không phải là ngắn, ngày hôm nay tôi chưa phải là tỷ phú nhưng tôi tin rằng không mất nhiều thời gian nữa để đạt được cái mức đó. Và dưới đây là những điều tôi đã đúc kết được xin chia sẻ với hy vọng mọi người có thể tìm được một thứ gì đó có ích cho mỗi người.

Điều thứ nhất : Hãy nghĩ ra cách làm việc nhiều hơn người khác, Một lao động tay chân hiện nay nhiều nhất có thể kiếm được 300k /ngày họ nhận về 200k phần còn lại chia cho cấp quản lý. Như vậy nếu bạn làm việc bằng 2 người thì bạn sẽ nhận được 400 k, nếu làm bằng 3 người bạn nhận được 600 k ... như vậy nếu bạn nghĩ ra một cách nào đó làm việc bằng 100 người thì có nghĩa bạn bỏ túi 20 tr mỗi ngày !


Điều thứ 2 : Hãy chia sẻ công việc, Chia sẻ hết những việc có thể chia sẻ chỉ giữ lại những việc không thể chia sẻ, Khi biết cách chia sẻ công việc thì bạn sẽ trở thành nhà quản lý, khi bạn trở thành quản lý thì bạn sẽ được chia sẻ trong phần 100k ( mà người ta hay gọi là giá trị thặng dư ) và tầm mức quản lý càng nhiều thì bạn sẽ được chia sẻ càng nhiều ( số người nhân viên dưới cấp lớn )

Điều thứ 3 : Hãy khai thác cái mà bạn có, những thứ thuộc về sở trường của bạn sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh rất lớn trong kinh doanh vì trong cuộc sống này bạn là duy nhất không có bất kỳ ai có những điều kiện về môi trường sống và suy nghĩ hoàn toàn giống bạn. Có những người tin rằng chỉ có tiền hoặc sức lao động mới đẻ ra tiền thì xin thưa bạn đó là điều hoàn toàn sai lầm. Nếu bạn dùng tiền đẻ ra tiền thì bạn chỉ kiếm được cao nhất là 5% /tháng còn nếu bạn dùng sức lao động cho dù bạn được đào tạo đến cấp bậc nào đi chăng nữa thì bạn cũng đạt mức lương 50tr/tháng. Vì vậy hãy dùng năng lực trí tuệ để nâng cao mức thu nhập trên.


Điều thứ tư : Phục vụ người giàu bạn sẽ trở nên giàu, phục vụ người giàu có nghĩa là bạn phục vụ người có khả năng tạo ra tiền, Vẫn là sản phẩm đó, dịch vụ đó nếu bạn cung cấp cho người nghèo ( khả năng sinh lợi thấp ) Họ sẽ không có tiền để trả cho bạn, nếu bạn phục vụ người giàu là những người có thể biến sản phẩm và dịch vụ của bạn để đổi lấy tiền và đương nhiên là bạn chính là người được chia sẻ lợi nhuận từ chính khách hàng của mình thông qua giá thành sản phẩm hay dịch vụ.

Thế đấy, trên đây là những thứ tôi nhặt được trên con đường làm giàu của bản thân, có vẻ như làm giàu không khó đúng ko nhỉ ?

Kinh doanh đừng trông chờ vào cơ hội

Kinh doanh được hiểu là việc đầu tư công sức hoặc tiền bạc cho một việc gì đó để tìm ra lợi nhuận. Cơ hội có thể xem là những điều kiện khách quan đem đến cho bạn một sự thuận lợi nào đó trong kinh doanh. Có rất nhiều người cho rằng kinh doanh bắt buộc phải là quá trình liên tục nắm bắt cơ hội. nhưng thực sự không phải vậy, sau đây là những lý do.




















Cơ hội là đồng đều, nếu cơ hội đến với bạn thì mặc nhiên cơ hội đấy cũng sẽ đến với rất nhiều người khác và như vậy bạn sẽ liên tục cạnh tranh để dành lấy cơ hội kia về phần mình.

Cơ hội là khan hiếm, về một mặt nào đó thì cơ hội là khan hiếm, nếu không khan hiếm thì nó đã không được gọi là cơ hội. Chính vì sự khan hiếm nên bạn phải liên tục đi tìm và như vậy thay vì tìm kiếm cơ hội thì bạn hãy xây dựng cho mình một kế hoạch kinh doanh. Thậm chí việc liên tục tìm kiếm sẽ làm bạn mệt mỏi và bỏ cuộc.

Cơ hội thường đi kèm rủi ro, Trong kinh doanh lợi nhuận thường tỷ lệ thuận với rủi ro vì vậy những cơ hội đem lại lợi nhuận cao thường ẩn chứa những rủi ro cao.

Chờ cơ hội được ví như là hình ảnh há miệng chờ sung, nếu bạn không ngồi chờ mà liên tục tìm kiếm và nắm bắt thì chỉ khác hình ảnh há miệng chờ sung ở chỗ là bạn luôn di chuyển để hy vọng có thể hứng được nhiều quả sung hơn mà thôi.

















Vì vậy nếu bạn thật sự muốn bước vào con đường kinh doanh thì hãy đừng quá coi trọng việc nắm bắt cơ hội, hãy khai thác năng lực bản thân một cách triệt để cùng với việc phối hợp hoàn hảo với điều kiện môi trường xung quanh để phát huy tốt nhất sở trường của bạn.

Trong điều kiện khởi nghiệp, khi năng lực còn yếu bạn có thể dựa vào 1 hoặc 2 cơ hội để phát triển nhưng không nên vì thế mà liên tục tìm kiếm và trông chờ vào nó.

Doanh nghiệp trẻ phải tự bơi cho đến khi biết bơi.

Doanh nghiệp trẻ được hiểu theo nghĩa là một người khởi nghiệp, họ ôm một ý tưởng, với một ý chí kiên cường và một mình vật lộn với cơn sóng và sẽ chỉ được hỗ trợ khi họ thật sự biết bơi. Nói thì có vẻ nghịch lý nhưng đó chính là sự thật.



Cái vật lộn đầu tiên đó là cơm, áo, gạo, tiền … trong khi bạn tìm cách triển khai ý tưởng của mình cũng là lúc thời gian không dừng lại, cùng với nó là biết bao áp lực về cơm, áo, gạo, tiền …



















Cái vật lộn thứ 2 là phải tìm kiếm nhà đầu tư, các nhà đầu tư ở đây sẽ bao gồm :
1. Khách hàng, những người trực tiếp sử dụng giải pháp của mình để tạo ra của cải của chính họ thì điều đầu tiên nhất họ quan tâm đó là tính khả thi, cái mà bạn đang nghĩ có thật sự khả thi hay ko ? bởi những gì bạn nghĩ mới chỉ là trên lý thuyết và thực tế thì còn hàng trăm thứ tác động.

2. Các nhà đầu tư tài chính ( ngân hàng ), Những nhà đầu tư này cực kỳ thận trọng ngoài việc đánh giá khả năng thành công họ còn nhìn vào tài sản của bạn là những cái mà chắc chắn là bạn có rất ít.

3. Các nguồn quỹ hỗ trợ của nhà nước, đây lại là một con đường gian nan là bởi bạn phải trải qua rất nhiều cuộc bảo vệ dự án .

Và chỉ khi ý tưởng của bạn được thực hiện cho dù là ở quy mô nhỏ, khi bạn đã chứng tỏ được hiệu quả thực sự của nó thì chính là lúc bạn bắt đầu nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài. Như vậy có phải chăng khi ta biết bơi mới là lúc được người khác hỗ trợ.
















Và sau đó sẽ là sự quan tâm của địa phương, và thông tin đại chúng, kế tiếp đó sẽ là các ngân hàng sẽ săn đón để hỗ trợ, và các nhà đầu tư xin được đổ vốn vào, còn các khách hàng thì vứt tiền ra để được có ngay sản phẩm và dịch vụ ….

Thế đấy các bạn trẻ ạ, nếu bạn có ý định khởi nghiệp xin hãy đừng trông chờ vào bất kỳ một nguồn lực bên ngoài và chỉ có chính bạn hãy tự bơi đi rồi bạn sẽ được hỗ trợ khi bạn đã biết bơi và đó là lúc bạn sẽ ra biển lớn.

Chúc mọi người năm mới nhiều thành công.